Trong văn hóa Ngựa Phú Yên

Ngựa Phú Yên đã từng vang bóng một thời và để lại nhiều dấu ấn trong ngôn ngữ, văn chương, sách sử. Ở vùng này, ngọn cỏ quá thơm trên môi những con ngựa truyền thống, nào ngựa vua, ngựa quan, ngựa tướng, ngựa binh, ngựa thồ, ngựa trạm. Con ngựa góp công sức không ít cho cuộc định danh đất võ, con ngựa cũng xuất hiện không ít trong cỗ xe văn chương, và nó trở thành hình ảnh không thể thiếu ở vùng thành Đồ Bàn-Hoàng Đế, thưởng thức tiếng nhạc ngựa, ngồi trên cỗ xe ngêu ngao[3].

Ngôn từ

Trong ngôn ngữ, nhiều người dân Phú Yên thường nhắc đến từ ngựa. Chẳng hạn, ai cắt tóc trước mặt giống bờm ngựa thì bảo "tóc ngựa". Ai có thói làm duyên làm dáng thì gọi "đĩ ngựa". Cụm từ "đi xe ngựa" đã từng phổ biến không kém gì "đi xe máy" ngày nay. Ở thôn Phú Diễn trong, xã Hòa Đồng còn một địa danh gắn với ngựa đó là "Bến Ngựa". Ngã ba Phú Lâm (Tuy Hòa) từng được gọi là Ngã ba Xe Ngựa, ngược lên Hòa Bình thì có Xóm Ngựa, qua Hòa Đồng thì Bến Ngựa; bến xe cạnh chợ Tuy Hòa cũng từng được gọi là Bến Xe Ngựa, vùng Đập Đá (An Nhơn, Bình Định), địa danh Ngã ba Bến Xe Ngựa vẫn còn ghi trên nhiều bảng hiệu.

Câu mắng mỏ "Mày suốt ngày cứ đi rông rông như ngựa Phú Lâm" ở Quảng Nam, người ta thường nói câu: "Cho mi đi giữ ngựa Phú Yên cho rồi", nếu không làm nên nghề ngỗng gì thì chỉ còn cách là đi giữ ngựa, mà nơi ngựa nhiều nhất để làm nghề này là Phú Yên hay, dân hay kình con "đồ lông nhông như ngựa Phú Yên"[8]. Người dân các tỉnh miền Trung thường tới Phú Yên lấy giống ngựa tốt về nuôi, cho nên trước đây, cụm từ Ngựa Phú Yên trở nên rất quen thuộc trong cửa miệng nhiều người. Người nhà quê cho rằng ngựa chạy giỏi hơn các loài vì ruột nó thẳng, cho nên những ai không câu chấp, có điều gì không bằng lòng nói ra ngay rồi dễ quên ví là "đồ ruột ngựa".

Văn chương

Con ngựa Phú Yên còn đi vào trong văn chương. Có rất nhiều câu ca dao, truyện cổ lưu truyền ở Phú Yên có nói đến ngựa. Nhưng nêu đích danh ngựa Phú Yên thì có câu hát ru nổi tiếng: "Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/Mượn kiều chú lính đưa cô tui dìa/Dìa dầy chẳng lẽ dìa không?/Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau/Ngựa ô đi tới Quán Cau/Ngựa hồng lẽo đẽo theo sau chợ chiều/Chợ chiều nhiều khế ế chanh/Nhiều cô gái lứa nên anh chàng ràng". Hay câu thơ "Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/Nhúng đầy trăng mầu áo ngọc lưu ly" của Yến Lan[3] hay câu "Đường dài ngựa chạy cát bay/Nghĩa nhơn thăm thẳm mỗi ngày mỗi xa". Ngay từ thời chiến tranh giữa hai họ Nguyễn, khi đại quân của Hoàng tử Cảnh từ Gia Định ra Qui Nhơn đi qua Phú Yên viên quan tùy tùng làm thơ tức cảnh đã ghi nhận hình ảnh con ngựa: Lâm sơ triêu phóng mã/Thủy thiển vãn phù sa (Rừng thưa sớm thả ngựa/Sông cạn chiều phù sa)

Hình ảnh ngựa Phú Yên còn xuất hiện trong văn chương. Cuốn tiểu thuyết Quê mới của Dân Hồng (1961) kể về một mơ ước đến ngày thống nhất trở về nhà "Anh sẽ lĩnh một con ngựa Phú Yên và một cỗ xe. Xe anh sẽ chở mía cho một nhà máy đường hay chở dừa cho một xưởng ép dầu và lăn bánh trên những con đường mịn màng, rợp bóng dừa xanh". Tiểu thuyết Chớp trắng của Thu Bồn (1973) có đoạn: "Trong phút chốc, Yên đã thu vén hết đồ đạt, nhét vội vào bao, mang súng chạy còn khỏe hơn con ngựa Phú Yên" cho thấy ngựa Phú Yên vốn nổi tiếng về chạy nhanh và dẻo dai. Nói về mục đích của việc nuôi ngựa ở Phú Yên, Nguyễn Đình Tư đã viết trong sách Non nước Phú Yên: "Tại Phú Yên, người ta cũng nuôi nhiều ngựa, dùng để kéo xe và thồ hàng. Hàng ngày, khi tới tỉnh Phú Yên, du khách sẽ gặp vô số những chiếc xe ngựa chạy trên các con đường khắp tỉnh".

Ngựa Phú Yên cũng xuất hiện trong các bài ký sự, hồi ký của nhiều người kháng chiến. Năm 1946, Tô Hoài vào Phú Yên và có bài "Đường lên Củng Sơn" đăng trên tạp chí Tiên Phong số 20 xuất bản ở Hà Nội. Ông nhắc rất nhiều tới hình ảnh ngựa Phú Yên, trong đó có đoạn: "Người ngựa qua hai cánh đồng lúa xanh mướt, dọc một cái kênh dẫn nước từ suối về ruộng rồi lội một dòng suối sâu đến lưng bụng ngựa, tắt ngang một bãi cát. Vượt bãi mới chừng ba cây số mà con ngựa của tôi bị cát đập vào mắt, vào mũi chảy nước ra, một mắt không thấy nữa. Thỉnh thoảng, hắn ngẩn ngơ đứng lại rồi quay ngang vào trong bụi". Đoạn văn có nói đến những cái rất đặc trưng của Phú Yên: ngựa cỡi, đồng ruộng, bãi cát, nắng to, gió mạnh. Ngoài ra còn có truyện ngắn "Tiếng vó ngựa đêm cuối năm" của tác giả Mai Sơn đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 1985[17]

Các hồi ký của những chiến sĩ cũng thường nhắc đến vai trò của ngựa Phú Yên và gạo Tuy Hòa trong chiến dịch Tây Nguyên thời chống Pháp. Trong Miền đất huyền thoại, nhà thơ Văn Công viết: "Từng đợt dân công, hàng vạn trai gái Kinh Thượng sức người, sức ngựa lai thồ hàng vạn tấn gạo muối vượt dốc Mõ, dốc Chanh, dốc Ai–nu, đèo Ma–lố đáp lời kêu gọi của chiến trường". Còn trong cuốn sách lịch sử "Phú Yên–30 năm chiến tranh giải phóng" cũng nhắc đến hình ảnh ngựa Phú Yên thồ gạo Tuy Hòa phục vụ các chiến trường: "Hàng trăm đoàn dân công, ngựa thồ ngày ngày vượt suối, trèo đèo, dầm mưa dãi nắng vận chuyển gạo, thực phẩm, đạn dược lên chiến trường Đắc Lắc. Năm 1951, tỉnh đã huy động 46.364 người và 1.416 con ngựa đi vận chuyển lương thực, đạn dược ra chiến trường với tổng số 639.951 ngày" và thành tích chỉ huy cùng một lúc nhiều con ngựa thồ đưa được nhiều hàng tới nơi an toàn đúng quy định.

Ca dao

Một số ca dao tục ngữ ở vùng Phú Yên và miền Trung có liên quan đến ngựa:

  • "Ai đi đường ấy hôm nay/Ngựa hồng ai cỡi dù tay ai cầm? Ngựa hồng đã có tri âm/Dù tay đã có người cầm thì thôi"
  • Con ngựa tía ăn quanh đèo Cả/Vầng nguyệt đêm rằm bóng ngã về đông/Chẳng thà tôi giục mã về không/Chớ không đành cướp vợ tranh chồng người ta
  • Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về/Cô về chẳng lẽ về không/Ngựa ô đi trước ngựa hồng đi sau/Ngựa ô đi tới Quán Cau/Ngựa hồng thủng thẳng đi sau Gò Điều
  • Dùng dằng như ngựa giùn cương/Thấy duyên muốn kết sợ người thương buổi đầu
  • Đường dài ngựa chạy biệt tăm/Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ
  • Ngựa hay chẳng quản đường dài/Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng
  • Ngựa ô cột trước ao hồ/Đói thì chịu đói cỏ khô không thèm
  • Ngựa ô chẳng cỡi cỡi bò/Đường ngay không chạy, chạy dò đường quanh
  • Ngựa ô chân mỏng gót hài/Có hay cho lắm thấy đường dài cũng kiêng
  • Con ngựa chạy giữa đường sao nói con ngựa cất?/Con cá bán giữa chợ sao nói con cá thu?[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa Phú Yên http://tapchisongba.com/tin-kinh-te-xa-hoi-thuong-... http://video.vnexpress.net/the-thao/hoi-dua-ngua-t... http://baoquangngai.vn/channel/6108/201402/duong-x... http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&... http://baophuyen.com.vn/89/40391/buon-vui-nuoi-ngu... http://dantri.com.vn/xa-hoi/len-go-thi-thung-xem-n... http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/loc-coc-vo-ngu... http://www.lienhiephoiphuyen.com.vn/index/?menu=co... http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/28... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cuoi-vo-bung-...